Gaslighting là gì? Dấu hiệu nhận biết và làm gì khi gặp gaslighting?

Gaslighting là gì mà lại có thể trở nên nguy hiểm nếu người dùng có mục đích không tốt? Dấu hiệu của gaslighting là gì để chúng ta có thể bảo vệ bản thân trong cuộc sống cũng như môi trường công sở? Hãy cùng tìm hiểu bằng cách theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Gaslighting là gì?

Gaslighting là một hình thức thao túng tâm lý. Trong đó, một người hay một nhóm người cố gắng khiến ai đó đặt câu hỏi về sự sáng suốt, những ký ức hay nhận thức của người đó về thực tế. Những người gặp phải hiện tượng gaslighting thường cảm thấy bối rối, lo lắng hay không còn tin tưởng vào chính bản thân mình, họ tự hỏi liệu ai là người sai trong hầu hết mọi cuộc tranh luận. Gaslighting có thể xảy ra ở bất cứ đâu, có thể là trong gia đình, bạn bè hay thậm chí là đồng nghiệp.

Nguồn gốc của gaslighting

Cụm từ gaslighting được đặt theo vở kịch Gaslight năm 1938 và bộ phim cùng tên chuyển thể năm 1944. Cả hai tác phẩm tập trung có nội dung về người chồng bạo hành và cố gắng thuyết phục vợ mình rằng cô ấy mất trí, rồi hắn dễ dàng cướp đi tài sản, trang sức của cô.

Thoạt đầu, gaslighting hiện diện như một sự khác biệt đơn thuần về quan điểm giữa hai bên. Nhưng thực tế, gaslighting là công cụ được sử dụng với mục đích khiến nạn nhân phải nghĩ xem tiếp theo họ nên cảm thấy như thế nào hay nghĩ gì, và rồi chúng chiếm được quyền kiểm soát nạn nhân.

Gaslighting hoạt động như thế nào?

Theo tiến sĩ Childs: “Gaslighting là một tình thức thao túng tâm lý của ai đó để khiến họ cảm thấy như cảm xúc của họ không còn là của họ nữa hoặc những gì họ nghĩ đang xảy ra không thực sự xảy ra.”

Gaslighting hoạt động bằng cách phá vỡ lòng tin của một người vào bản thân đồng thời tăng mức độ tin tưởng, phụ thuộc vào kẻ lừa gạt – đối tác của họ. Sau khi khéo léo giành được sự tin tưởng của nạn nhân, kẻ lừa gạt bắt đầu cho rằng nạn nhân không đáng tin cậy, họ hay quên hoặc tinh thần không ổn định.

Theo thời gian, nạn nhân bắt đầu lo lắng, bối rối và tự đặt câu hỏi rằng liệu đối tác của họ có đúng hay không. Nạn nhân càng nghi hoặc bản thân thì kẻ lừa gạt càng có nhiều quyền lực và sự ảnh hưởng đến nạn nhân. Khi nạn nhân dần mất niềm tin vào bản thân, họ bắt đầu phụ thuộc vào đối tác của mình để phụ thuộc và đưa ra các quyết định.

Dấu hiệu của gaslighting

Những người gặp phải hiện tượng gaslighting thường khó tự nhận ra bởi bản thân họ đang đưa trọn niềm tin cho kẻ lừa đảo và bản thân họ mới là không đáng tin cậy.

Một người thường xuyên cảm thấy không chắc chắn, nghi ngờ bản thân hoặc dựa dẫm vào người khác để xác nhận những việc trong ký ức hay đưa ra quyết định đơn giản, đó có thể là do gaslighting. Sau đây là một số dấu hiệu của một người đang bị gaslighting:

  • Thường xuyên cảm thấy không chắc chắn về nhận thức của bản thân
  • Hay đặt câu hỏi liệu mình có nhớ chính xác mọi thức không
  • Tin rằng bản thân là người không có lý trí, điên rồ
  • Cảm thấy tự ti, bất tài hay bản thân không có giá trị
  • Liên tục cảm thấy có lỗi với một người nào đó
  • Tự cô lập bản thân với mọi người
  • Thường xuyên lo lắng, có dấu hiệu trầm cảm, tổn thương tâm lý

Làm gì để đối phó gaslighting?

Gaslighting có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người. Để bảo vệ bản thân khỏi hình thức lạm dụng này, chúng ta cần chăm sóc bản thân về thể chất và tinh thần thật tốt. Sau đây là một số cách bạn có thể áp dụng nếu bạn gặp phải gaslighting:

1.   Viết nhật ký

Hãy có cho mình một cuốn nhật ký bí mật và có thể ghi chép lại các hoạt động trong ngày, có thể là ngày, giờ và các chi tiết về những gì họ đã trải qua. Đây sẽ là một ý tưởng tốt cho những ai thường xuyên mơ hồ về các ký ức của bản thân.

2.   Trò chuyện với người đáng tin cậy khác

Tâm sự với một người bạn thân, thành viên trong gia đình hoặc người cố vấn có thể giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về hoàn cảnh của bản thân. Người mà bạn chọn tâm sự có thể là nhân chứng cho các sự kiện xảy ra trong ký ức hay là người giúp bạn đưa ra các quyết định.

3.   Chụp ảnh

Thói quen tưởng chừng như quen thuộc nhưng lại rất hữu ích cho những ai thường hay nghi ngờ các ký ức của mình. Hình ảnh luôn là một trong những yếu tố gợi lại trí nhớ tốt nhất của con người.

4.   Tập trung vào hành động, không phải lời nói

Đôi khi, kẻ lừa đảo nói với bạn những gì bạn muốn nghe để khiến bạn tin tưởng họ. Nhưng hãy nhớ rằng những lời nói đó là vô nghĩa nếu hành động của họ không thay đổi hay trùng khớp với lời nói.

5.   Đừng cố tranh luận

Nếu bạn có chút nhận thức được ai là người sử dụng gaslighting, cố gắng đừng tranh luận với họ. Những cuộc tranh luận, trái quan điểm hay sự cãi vã có thể là cơ hội tốt để kẻ lừa gạt sử dụng hình thức gaslighting. Vì thế hãy tránh xa các cuộc thảo luận, tranh luận và luôn cố gắng tin tưởng vào bản thân hơn.

Trên đây là bài viết về gaslighting là gì và cách để phòng tránh gaslighting. Hy vọng bài viết đem lại cho bạn nhiều thông tin bổ ích mà bạn đang tìm kiếm.