Nguyên tắc SWAN là gì? Bí quyết giúp nhà tuyển dụng tìm thấy nhân tài

Một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thành công đó là đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và tài giỏi. Nhiều doanh nghiệp đặt ra những quy tắc và văn hóa riêng để tìm kiếm những nhân tài phù hợp với doanh nghiệp. Nguyên tắc SWAN là tiêu chuẩn mà nhiều nhà tuyển dụng áp dụng trong quá trình tuyển dụng. Vậy nguyên tắc SWAN là gì? Vì sao nên tuyển dụng ứng viên theo nguyên tắc này?

Nguyên tắc SWAN là gì?

SWAN là từ viết tắt của 4 từ tương đương với 4 tiêu chí: Smart (thông minh, nhanh nhẹn), work hard (chăm chỉ), ambitious (sự tham vọng) và nice ( sự tử tế, dễ chịu).

Đây được cho là 4 tiêu chí quan trọng mà hầu như mọi nhà tuyển dụng đều tìm kiếm ở ứng viên. SWAN là thước đo giúp nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên đối với doanh nghiệp và vị trí làm việc, bên cạnh các tiêu chí quan trọng khác như trình độ, kinh nghiệm làm việc…

Tìm hiểu về nguyên tắc SWAN

Có nhiều yếu tố để tạo nên một ứng viên hoàn hảo. Tuy nhiên khi ứng viên được đánh giá sở hữu các tiêu chí trong nguyên tắc SWAN thì chắc hẳn đây là một nhân tài doanh nghiệp của bạn nên cân nhắc giữ lại. Sau đây là 4 tiêu chí của nguyên tắc SWAN:

S – Smart: Thông minh, nhanh nhẹn

Trên thực tế, những người thành công là người thông minh, thích ứng tốt với lĩnh vực của họ. Thông minh đồng nghĩa với việc biết phân tích và giải quyết vấn đề tốt. Steve Jobs từng nói: “hire smart people so they can tell you what to do.”, tạm dịch là hãy thuê người thông minh và họ sẽ cho bạn biết bạn cần làm gì. Bạn không thể quản lý toàn bộ nhân viên, công việc khi doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, vì thế bạn cần những người thông minh, nhanh nhẹn giúp bạn thực hiện việc này. Người thông minh cũng xử lý công việc nhanh nhẹn, hiệu quả hơn và thậm chí là sáng tạo hơn.

Nhà tuyển dụng có thể thông qua bài test năng lực hay câu hỏi tình huống để đánh giá tiêu chí “Smart” ở ứng viên. Sự thông minh và nhanh nhẹn sẽ giúp họ trở thành cánh tay đắc lực của doanh nghiệp trên con đường thành công.

W – Work hard: Làm việc chăm chỉ

Không ai muốn tuyển một người lười biếng và thụ động vào làm việc cả. Thành công sẽ đến khi chúng ta đủ quyết tâm và làm việc thật chăm chỉ. Đây cũng là đạo đức nghề nghiệp mà bất kỳ nhân viên đều cần có, dù họ làm trong lĩnh vực nào. Thông minh và làm việc chăm chỉ là một sự kết hợp tuyệt vời mà các doanh nghiệp muốn thấy đội ngũ nhân viên của mình.

Bên cạnh đó, sự chăm chỉ còn có sức lan tỏa tích cực trong môi trường làm việc. Làm động lực giúp mọi người xung quanh làm việc tích cực hơn. Từ đó, tạo nên môi trường làm việc lành mạnh.

A – Ambitious: Sự tham vọng

Một người có sự tham vọng là người có khát vọng và quyết tâm mạnh mẽ đạt đến thành công. Đây cũng là một yếu tố thường có ở các nhà lãnh đạo giỏi. Chúng ta đi làm không phải để vui chơi, trò chuyện mà là làm để đạt được những thành tựu, phát triển bản thân ngày một tốt hơn.

Sự tham vọng giúp con người ta đặt ra mục tiêu và kiên trì để đạt được những mục tiêu đó. Khi ta có tham vọng, ta có quyết tâm, động lực, năng lượng và sự tận tâm, trách nhiệm cao trong công việc. Sự thăng tiến trong công việc cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu cần đạt được của người có tham vọng vì thế họ sẽ luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc.

N – Nice: Sự tử tế, dễ chịu

Bên cạnh năng lực thì nhân cách cũng là yếu tố rất quan trọng khi đánh giá một ứng viên. Hãy tuyển dụng những người có tính cách tốt, những người khiến mà bạn cảm nhận được sự tử tế và dễ chịu. Các dấu hiệu có thể thấy như thái độ tích cực, sự tôn trọng, có sự tin tưởng, thái độ quan tâm, nói chuyện thẳng thắn… Một người có nhân cách tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp về lâu dài.

Những người có tính cách nóng nảy, bốc đồng hay có lối suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến môi trường làm việc trở nên tiêu cực, dễ xảy ra tranh chấp và xung đột. Vì thế, người dễ chịu, hòa hợp với mọi người sẽ giúp cho không khí làm việc dễ thở hơn, dù trong giai đoạn căng thẳng trong công việc. Việc trao đổi hay làm việc nhóm cũng trở nên suôn sẻ hơn.

Kết luận

Nguyên tắc SWAN tuy đơn giản nhưng nếu biết cách áp dụng trong quá trình tuyển dụng sẽ giúp rút ngắn quá trình và tìm được nhân tài gắn bó lâu dài với doanh nghiệp của bạn. 4 tiêu chí hỗ trợ việc tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá ứng viên liệu có phù hợp với văn hóa và hoạt động của doanh nghiệp hay không. Một doanh nghiệp vững mạnh khi họ sở hữu bộ máy nhân sự vững mạnh từ bên trong.

Trên đây là bài viết về nguyên tắc SWAN là gì và vì sao nên áp dụng nguyên tắc SWAN vào quá trình tuyển dụng. Hy vọng bài viết đem lại cho bạn những thông tin bổ ích mà bạn đang tìm kiếm.